1. Sự cần thiết và quá trình xây dựng Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ

Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là bộ phận thiết yếu của kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cần phải được đầu tư phát triển trước một bước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Cùng với việc đầu tư, xây dựng các công trình đường bộ, quá trình khai thác, sử dụng công trình đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật mới bảo đảm thời gian sử dụng, an toàn, hiệu quả.

Hiện nay, hệ thống đường bộ nước ta có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ gồm 95 tuyến với tổng chiều dài 17.646 km, đường tỉnh 24.249 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã. Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu quản lý bảo trì đối hệ thống đường bộ địa phương trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn cần được bảo trì để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước.

Việc thu phí sử dụng đường bộ ở nước ta đã được thực hiện ngay từ thời kỳ bắt đầu thời ký xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Nghị định số 145-TTg ngày 15/3/1958 của Chính phủ quy định thể lệ tạm thời thu phí tổn sửa đường là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước về thu phí sử dụng đường bộ). Qua nhiều lần thay đổi với các hình thức thu phí sử dụng đường bộ nhưng không bao quát được tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông, không tạo được sự công bằng trong thu phí sử dụng đường bộ như: thu trực tiếp theo tháng; thu theo tấn.km xe chạy, theo người.km xe chạy; thu theo phần trăm trên doanh thu cước vận tải; thu gián tiếp qua xăng dầu (về cơ bản không thực hiện được do không tách được dầu diezel sử dụng cho giao thông đường bộ và dầu diezel sử dụng cho những ngành và lĩnh vực khác); thu trực tiếp theo lượt xe chạy qua trạm thu phí (như hiện nay). Trong đó, phương thức thu trực tiếp theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ khi qua trạm thu phí được áp dụng nhiều nhất, nhưng mới chỉ có ở trên một số tuyến quốc lộ, không có trên đường địa phương. Tổng số phí sử dụng đường bộ thu được thấp, mới chỉ giảm bớt một phần gánh nặng của ngân sách trung ương cấp cho bảo trì hệ thống quốc lộ, không đáp ứng được nhu cầu về vốn cho bảo trì đường bộ.

Sau quá trình xây dựng Đề án và ý kiến của các cơ quan chức năng việc thu phí qua đầu phương tiện như Thông tư số197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là phù hợp để hình thành vốn cho Quỹ Bảo trì đường bộ đáp ứng cho nhu cầu bảo trì đường bộ là cần thiết, là đòi hỏi khách quan và cũng để bảo đảm sự công bằng trong xã hội và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Vào thời điểm hiện tại, do nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ chỉ đạt 40% nhu cầu và có xu hướng giảm dần nên việc đưa Quỹ Bảo trì đường bộ hoạt động đúng tiến độ vào ngày 01/01/2013 đang là yêu cầu cấp bách. Sau nhiều năm không được bố trí vốn đầy đủ, chất lượng nhiều tuyến đường huyết mạch, trong đó có cả Quốc lộ 1 đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn chất lượng đường sá, gây mất an toàn cho người tham giao thông.

2. Tổ chức thực hiện Nghị định của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ

Quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập theo quy định tại Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Quỹ được hình thành từ nguồn Ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ.

Ngày 13/3/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ (theo quy định tại Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012. Trong đó quy định việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thay thế cho hình thức thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước như hiện nay. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa đảm bảo nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lùi thời gian thu phí 07 tháng và bắt đầu thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện từ ngày 01/01/2013.

Triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải đã lập đề án, học tập và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có điều kiện quản lý, khai thác đường bộ gần tương tự như ở Việt Nam và đề xuất các phương án thu phí phù hợp.

Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Thông tư thu nộp và quản lý phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Do phạm vi tác động và đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Thông tư khá rộng tác động đến hầu hết các đối tượng xã hội (khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô), cơ quan soạn thảo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề cơ bản của dự thảo Thông tư gửi xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, các địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trên Website của Bộ Tài chính … cơ quan soạn thảo đã nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Trong đó, hầu hết ý kiến tham gia đều thống nhất với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư. Một số ý kiến khác thì chỉ tập trung vào nội dung cụ thể như: Về mức thu; về miễn, giảm phí; về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được.

Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

Bộ GTVT khẳng định, tiến độ xây dựng và ban hành Thông tư này không ảnh hưởng tới việc thu phí phục vụ Quỹ Bảo trì đường bộ từ ngày 01/01/2013.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ” với mục tiêu chuyển đổi phương thức thực hiện công tác duy tu, quản lý, bảo trì đường theo định hướng xã hội hoá, thông qua đấu thầu cạnh tranh minh bạch và đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích. Đây được hy vọng sẽ là những bước đột phá đối với công tác quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống đường bộ quốc gia trong thời gian tới.

Liên quan tới công tác tuyên truyền, hiện Văn phòng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện tập huấn về công tác tuyên truyền Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và hướng dẫn thực hiện Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Chương trình tập huấn dự kiến bao gồm 2 nội dung: Phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và các văn bản liên quan; hướng dẫn nghiệp vụ thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện cho các Trạm đăng kiểm do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì và chuẩn bị tài liệu hướng dẫn. Đối tượng tham gia tập huấn là đại diện các Bộ Tài chính; Bộ GTVT; Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ; Kho bạc nhà nước; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam... Thời gian tập huấn cho các cơ quan, đơn vị từ Thừa Thiên Huế trở ra là ngày 14/12/2012 tại Hà Nội và cho các cơ quan từ Đà Nẵng trở vào là ngày 17/12/2012 tại TP. Hồ Chí Minh.

3. Một số nội dung chủ yếu quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện

- Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy; người nộp phí là chủ sở hữu hoặc người sử dụng phương tiện.

- Phương thức thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định như sau:

+ Đối với xe ô tô đăng ký trong nước: Giao các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

+ Đối với xe ô tô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam: Giao các Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở Giao thông vận tải thu khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh.

+ Đối với xe mô tô: Giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể để Ủy ban nhân dân cấp xã, phường thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe máy.

- Các trường hợp mô tô, xe máy phát sinh trước ngày 01/01/2013 thì tháng 01/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng; trường hợp phát sinh từ ngày 01/01/2013 trở về sau sẽ xảy ra hai trường hợp:

+ Thời điểm phát sinh từ ngày 01/01 đến 30/6 hằng năm, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với mô tô, mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm; thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31/7.

+ Đối với xe máy phát sinh từ 1/7 đến 31/12 hằng năm thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất ngày 31/01) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

UBND các phường, xã, thị trấn sẽ triển khai thu phí xuống các tổ dân phố, trưởng khu dân cư và tiến hành như đối với thu một số loại thuế, phí khác mà lực lượng này vẫn đang làm.

- Đối với các chủ xe ô tô đang lưu hành thì thì chậm nhất đến ngày 30/6/2013 phải đến Trạm Đăng kiểm nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện mua “phí đường bộ toàn quốc” tại Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

- Các xe ô tô (trừ xe của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) không phải chịu phí sử dụng đường bộ trong các trường hợp sau: Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu; bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên nếu xe ô tô đó đã được nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau (áp dụng đối với xe ô tô vẫn tiếp tục được lưu hành sau khi được sửa chữa) tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ. Thủ tục hoàn phí được hướng dẫn cụ thể và thực hiện tại các Trạm Đăng kiểm.

- Kể từ 00 giờ ngày 01/01/2013, các Trạm thu phí thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định tại Điều 11, Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính.

4. Xử lý sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ để thực hiện Nghị định số 18

- Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã có Văn bản số 9369/BGTVT-TC ngày 06/11/2012 về việc đề án xử lý, sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ, trong đó:

+ Đề xuất xoá bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách nhà nước.

+ Tiếp tục thu một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM; các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn (theo Văn bản 3170/KTN ngày 25/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ) đến hết thời hạn hợp đồng sẽ xoá.